Hầu hết các loại thuốc này đều được làm từ thảo mộc và nhìn qua thì
rất khó phân biệt được cũng như không biết được thuốc nào tốt hơn. Bác
sĩ Trần Danh Tài – Chủ tịch Hội Đông y Lâm Đồng cho biết, nói một cách
đơn giản thuốc Bắc là thuốc được đưa từ phương Bắc (ý nói nước Trung Quốc) vào nước ta; còn thuốc Nam là thuốc được thu hái và chế biến tại nước ta (Việt Nam).
Nhưng thuốc tốt, nghĩa là phải có tác dụng chữa bệnh. Thuốc Bắc hay
thuốc Nam dù đắt hay rẻ mà không có tác dụng chữa bệnh, gây nguy hại cho
người bệnh đều không tốt. Ví dụ: Sâm Cao Ly (của Triều Tiên) hay Hồng
sâm (của Trung Quốc) là những vị thuốc quý và đắt tiền thật sự. Nhưng ở
một bệnh nhân đang bị tiêu chảy hay sốt cao mà dùng thì bệnh sẽ nặng hơn
thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng. Còn cỏ mực là thứ mọc hoang ở mọi
nơi, chỉ cần một vẹn tay (khoảng 100 gr) có thể cứu được một bệnh nhân
băng huyết…
Cũng theo ông, Đông dược nói chung (kể cả thuốc Bắc và Nam) hầu hết
đều sử dụng thảo mộc. Mà cây cỏ mọc ở xứ sở nào, địa phương nào thì phù
hợp với con người (kể cả động vật) ở xứ sở đó, địa phương đó hơn, có tác
dụng chữa bệnh tốt hơn. Vị danh y Tuệ Tĩnh của nước ta trước đây (người
đã được triều đình nhà Minh mời sang để trị bệnh cho vua Minh) đã có
một câu nói rất nổi tiếng: “Nam dược trị Nam nhân” cho đến nay vẫn là
một phương châm bất hủ về quan niệm dùng thuốc của nhân dân ta.
Khi có bệnh phải dùng đến thuốc thì không nhất thiết cứ phải là thuốc
Bắc. Thuốc Bắc đắt (gấp nhiều lần so với thuốc Nam) mà nhiều khi chưa
chắc là thuốc Bắc thật sự vì một số người đã lợi dụng tâm lý của người
bệnh nên “biến” thuốc Nam thành thuốc Bắc. Người bệnh uống thuốc Nam lại
phải trả tiền thuốc Bắc. Thuốc hay (tức là chữa được bệnh), hoặc không
hay (tức là không chữa được bệnh) là tùy thuộc vào trình độ, khả năng,
kinh nghiệm của thầy thuốc và chất lượng của thuốc. Nhiều khi chỉ cần sử
dụng mấy thứ cây cỏ xung quanh nhà hoặc mua một số vị thuốc Nam, không
đáng bao nhiêu tiền nhưng lại chữa được bệnh.
No comments:
Post a Comment